Danh hiệu siêu máy tính nhanh nhất thế giới hiện nay đã về tay IBM
IBM vừa tuyên bố rằng sản phẩm Sequoia của hãng đã giành lại vị trí siêu máy tính mạnh nhất thế giới từ tay hệ thống K Computer của Fujitsu. Sequoia bao gồm 96 rack tổ hợp từ 98.304 máy tính nhỏ (compute node) được kết nối với nhau và hiện lắp đặt tại Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Livermore, trực thuộc Bộ năng lượng Hoa Kì. Sequoia sẽ giúp mô phỏng các thử nghiệm để hỗ trợ việc kéo dài tuổi thọ cho vũ khí hạt nhân mà không cần phải thử nghiệm thực tế trong lòng đất.
Siêu máy tính của IBM có tốc độ tính toán là 16,32 petaflop, trong khi K Computer chỉ là 10,51 petaflops, tức nhanh hơn 1,55 lần. Để vận hành, cỗ máy này cần 7,9 megawatt điện, thấp hơn so với công suất 12,6 megawatt của K Computer. Nó có 1,6 triệu nhân xử lí, bộ nhớ 1,6 petabyte và chiếm một diện tích là 280 mét vuông. Những CPU dùng trong Sequoia được sản xuất dựa theo kiến trúc Power Architecture trên tiến trình 45nm.
Sequoia thuộc dòng Q trong series Blue Gene, một dự án do IBM lập ra để xây dựng các siêu máy tính với sức mạnh xử lí petaflops và tiêu thụ ít điện năng. Thomas D'Agostino, quản trị của Trung tâm An ninh Hạt nhân Quốc gia (NNSA) cho biết Sequoia là đại diện cho sự đi đầu của Mỹ trong việc phát triển hệ thống máy tính năng suất cao. Những gì Sequoia tính được trong một giờ tương đương với việc tính tay của 6,7 tỉ người trong 320 năm liên tục không nghỉ.
Bob Meisner, trưởng bộ phận siêu máy tính của NNSA cho biết: "Sequoia sẽ cung cấp những hiểu biết toàn diện hơn về hiệu năng của vũ khí, các thí nghiệm thủy động lực học và tính chất của các vật liệu trong một môi trường áp suất và nhiệt độ khắc nghiệt". Ngoài ra, siêu máy tính này còn được dùng để tính toán định lượng nhằm hỗ trợ cho việc kéo dài thời gian sử dụng của các hệ thống vũ khí cũ. Với sức mạnh của mình, Sequoia có thể thực hiện các phép tính cực kì phức tạp trên nhiều mô hình khác nhau, từ đó chọn ra mô hình nào có tính ổn định cao nhất để loại bỏ đi những điều không chắc chắn trong việc vận hành, bảo quản các thiết bị hạt nhân.
Theo SlashGear, BBC, Wikipedia